Monsanto thua kiện: 60% thuốc diệt cỏ ở Việt Nam chứa chất gây ung thư

23/02/2019

Thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate, loại hóa chất vốn đã bị tòa án Mỹ phán quyết là chất gây ra ung thư, chiếm đến 60% trong nhóm thuốc diệt cỏ được sử dụng ở Việt Nam và mỗi năm nông dân Việt Nam tiêu thụ tới 30 tấn thuốc trừ cỏ chứa Glyphosate

(ảnh qua inhabitat)

Ngày 11/8/2018, tòa án thành phố San Francisco, California, Hoa Kỳ đã ra phán quyết sơ thẩm buộc tập đoàn Monsanto thua kiện và phải bồi thường cho ông Dewayne Johnson 289 triệu USD trong vụ kiện liên quan đến thuốc diệt cỏ Roundup có chứa thành phần Glyphosate bị cáo buộc là gây ung thư.

Mức bồi thường 289 triệu USD bao gồm 39 triệu tiền bồi thường và 250 tiền phạt bồi thường.

Thuốc diệt cỏ chứa chất Glyphosate bị cáo buộc chứa chất gây ung thư

Tòa án San Francisco kết luận rằng thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate mang thương hiệu Roundup và thương hiệu RangerPro “góp phần đáng kể” gây ra tình trạng nghiêm trọng của Dewayne Johnson và Monsanto đã không cảnh báo người sử dụng về nguy cơ gây ung thư của sản phẩm này.

Nguyên đơn của vụ kiện là Dewayne Johnson – một người thợ làm vườn và đã tiếp xúc với thuốc diệt cỏ Roundup từ 20 đến 30 lần mỗi năm. Ông Johnson đã từng 2 lần gặp tai nạn lao động khiến thuốc này đổ khắp người, lần đầu tiên là năm 2012. Đến 2014, ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư hạch bạch huyết và hiện đang ở giai đoạn cuối của bệnh với đến 80% cơ thể bị lở loét.

Dewayne đâm đơn kiện Monsanto dựa trên kết luận của Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) hồi năm 2015 cho rằng hoạt chất chính trong Roundup là Glyphosate có khả năng gây ung thư cao.

 

Embed from Getty Images

Dewayne Johnson, bệnh nhân ung thư hạch, nguyên đơn tại phiên tòa

Vụ thắng kiện của Dewayne Johnson có thể mở đường cho hàng trăm bệnh nhân ung thư liên quan đến thuốc diệt cỏ ở Mỹ sẽ đồng loạt khởi kiện Monsanto.

>> Thực phẩm biến đổi gen đã tiến vào bàn ăn của người Việt từ khi nào?

Thế giới ngày càng lệ thuộc vào thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate

Thuốc diệt cỏ gốc Glyphosate có tên Roundup là loại bán chạy nhất trên thế giới, do Monsanto phát minh và đưa vào thị trường năm 1974. Sản phẩm này có sự thành công nhanh chóng vì Monsanto quảng cáo nó có thể tự phân hủy và tốt cho môi trường.

Theo báo cáo Grand View Research, nhu cầu thế giới đối với các loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất Glyphosate luôn tăng trưởng mạnh hàng năm, năm 2013 là 700.000 tấn, dự kiến sẽ tăng lên 1 triệu tấn vào năm 2020. Nhu cầu tiêu thụ gia tăng hàng năm khiến doanh thu toàn cầu của Glyphosate cũng tăng mạnh, năm 2012 là 5 tỷ USD, dự kiến đạt 8,5 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 10,88 tỷ USD vào năm 2024.

Một trong những chiến lược của Monsanto và các công ty khác nhằm gia tăng nhu cầu thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate trên toàn thế giới là phát minh ra những giống cây trồng biến đổi gen (GMO) có thể chịu được thuốc diệt cỏ, ví dụ loại đậu nành có tên Roundup Ready, khiến chúng phổ biến và tiêu diệt dần các loại giống cây có gen thuần chủng. Họ khuyến khích người nông dân trồng cây biến đổi gen có thể phun thuốc diệt cỏ thoải mái để bán được nhiều thuốc diệt cỏ hơn.

Khi các giống cây thuần chủng bị tiêu diệt, người nông dân sẽ lệ thuộc vào giống cây biến đổi gen, và điều kiện để mua giống cây đó là phải mua kèm thuốc diệt cỏ.

Cánh đồng đậu nành sử dụng giống cây biến đổi gen Roundup Ready chịu được Glyphosate (ảnh: geneticliteracyproject.org)

Hiểm họa từ Glyphosate đã được nói đến từ lâu

Trước khi IARC (WHO) cáo buộc về khả năng gây ung thư của hoạt chất Glyphosate trong thuốc diệt cỏ Roundup, đã có nhiều báo cáo chỉ ra rằng Roundup chỉ phân hủy 2% sau khi phun 28 ngày. Điều này khiến dư lượng của Roundup trực tiếp đi vào cây trồng, thực phẩm và đất, gây hại cho con người và môi trường.

Giáo sư Robert Bellé, nhà nghiên cứu ở CNRS, Pháp đã chỉ ra rằng Roundup làm ảnh hưởng đến sự phân chia tế bào, nó khuyến khích giai đoạn đầu dẫn đến ung thư của tế bào. Theo các nhà nghiên cứu Samsell và Seneff“Glyphosate ức chế các enzym cytochrome P450 (CYP), gây ra độc tính đối với loài hữu nhũ… Hậu quả bao gồm rối loạn tiêu hoá, béo phì, tiểu đường, bệnh tim, trầm cảm, tự kỷ, vô sinh, ung thư và bệnh Alzheimer.”

Monsanto đã 2 lần bị tòa án phán quyết là lừa dối trong quảng cáo về Roundup tại Mỹ năm 1996 và tại Pháp năm 2007. Tuy bị nhiều nơi trên thế giới tẩy chay, nhưng Monsanto vẫn tiếp tục sản xuất Roundup và cung cấp trên thị trường với số lượng lớn.

 

Embed from Getty Images

Người biểu tình kéo đổ biểu tượng chai thuốc diệt cỏ có chứa Glyphosate của Monsanto trước cửa trụ sở của EU

30 tấn Glyphosate được bán mỗi năm và tỷ lệ gia tăng ung thư ở Việt Nam

Hiện nay, chất diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate chiếm đến hơn đến 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật nói chung và chiếm đến 60% trong nhóm thuốc trừ cỏ được sử dụng ở Việt Nam. Mỗi năm, có đến 30 tấn thuốc diệt cỏ có hoạt chất Glyphosate được sử dụng ở Việt Nam.

Mỗi năm có 30 tấn thuốc diệt cỏ chứa hoạt chất Glyphosate được tiêu thụ ở Việt Nam

Ngày 20/4/2018, tại hội thảo Diễn đàn chuyên gia ung thư các nước Đông Dương do Bệnh viện K tổ chức, GS.TS Trần Văn Thuấn, Giám đốc Bệnh viện K cho biết: Theo số liệu của Ghi nhận ung thư toàn cầu (GLOBOCAL) và ước tính của ghi nhận ung thư Việt Nam, mỗi năm Việt Nam có hơn 126.000 ca mắc mới và khoảng 94.000 người tử vong vì ung thư. Bên cạnh đó vấn đề đáng lo ngại là số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một tăng nhanh.

Trao đổi với báo chí sau khi có kết quả sơ thẩm vụ kiện của Dewyane Johnson đối với Monsanto, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết, cục đã có 6 báo cáo kỹ thuật về 4 loại hợp chất, trong đó có cả Glyphosate, đồng thời theo dõi diễn biến phiên xử phúc thẩm vụ án tại San Francisco, Hoa Kỳ trong thời gian tới (dự kiến mở vào cuối tháng 9/2018) để có đủ căn cứ trình Bộ NN-PTTN để cấm loại hoạt chất này tại Việt Nam.

Cục BVTV cũng cho biết, từ tháng 4/2016 đến nay, Bộ NN-PTNT đã quyết định dừng cho đăng ký mới các loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất Glyphosate.

Mặc dù các cơ quan chức năng ở Việt Nam chưa có kết luận cuối cùng về mối quan hệ giữa thuốc diệt cỏ có chứa Glyphosate và ung thư ở Việt Nam, nhưng những con số thống kê về tình trạng ung thư ở Việt Nam cũng khiến chúng ta giật mình và tự hỏi: chúng ta cần làm gì để giảm bớt số lượng bệnh nhân ung thư ở Việt Nam?

Lịch sử của những sản phẩm đầu độc cả thế giới

Từ nhiều năm nay, Monsanto vẫn được coi là công ty luôn có những sản phẩm gây hại cho con người như:

  • Phụ gia cách điện PCB gây ung thư, bị cấm từ năm 1979;
  • Thuốc diệt cỏ 2,4,5-T- chất độc da cam gây di chứng cho nạn nhân chiến tranh Việt Nam;
  • rBGH – Hormon tăng trưởng tái kết hợp cho bò bị phát hiện có mối quan hệ đến bệnh ung thư vú, ung thư ruột và ung thư tuyến tiền liệt.
Thuốc diệt cỏ 2,4,5-T sản xuất bởi Monsanto là thủ phạm của thảm họa chất độc da cam (ảnh: naturalsociety.com)

Ngoài 4 sản phẩm vô cùng độc hại kể trên, Monsanto còn sở hữu một loạt sản phẩm khác cũng đang gây tranh cãi:

  • Đường hóa học Aspartame, đường hóa học Saccharin bị cáo buộc là gây ung thư;
  • Chất dẻo tổng hợp polystyrene, được EPA đánh giá là tạo ra tổng số chất thải nguy hại nhiều nhất trong quá trình sản xuất;
  • Đặc biệt là thực phẩm biến đổi gen (GMO) bị cáo buộc phá hủy nghiêm trọng thế giới tự nhiên và nguy hại cho con người với các bệnh như ung thư, vô sinh, suy giảm miễn dịch, rối loạn chuyển hóa cholesterol và insulin, phá hủy đường ruột.

Bên cạnh đó, Monsanto cũng bị cáo buộc lũng đoạn thị trường cũng như lũng đoạn chính trị nhầm có lợi cho hoạt động kinh doanh của mình.

Với những thông tin được cung cấp ở trên, Việt Nam có nên cấm thuốc diệt cỏ chứa Glyphosate càng sớm càng tốt?

 

(Theo Thiện Tâm của https://trithucvn.net )


(*) Xem thêm

Bình luận